20/07/2016 3987
Bốn mùa lặng lẽ trôi qua, đất trời Hà Nội lại trở mình khoác lên tấm áo mới, từ xuân lung linh sắc thắm đến hạ rực rỡ kiêu sa, thu lãng đãng thơ tình rồi đông trầm mặc tĩnh lặng. Hà Nội lúc nào cũng đẹp, khiến người ta xao xuyến bồi hồi, để khách du lịch muốn ôm ấp và trao đi thứ cảm tình nhẹ nhàng mà sâu lắng nhất. Hà Nội nghìn năm văn hiến đó, có nhiều lắm những góc phố, cây cầu, hàng cây gắn liền cùng dòng thời gian chuyển động của thủ đô, mỗi điểm dừng chân là một hành trình chan chứa bao xúc cảm. Du lịch Hà Nội, hãy dành thật nhiều thời gian của mình để khám phá hết những nét riêng ‘rất Hà Nội’ nhé!
Bồi hồi những mùa hoa Hà Nội - Ảnh: Tran Anh Linh
Thực ra, thủ phủ chính của Hà Nội ngày xưa không rộng lớn như bây giờ, chỉ khi thay đổi để phát triển kinh tế xã hội mới được giải phóng mặt bằng và sáp nhập nhiều hơn. Song không phải vì thế mà trái tim của Hà Nội lại thiếu đi nét đẹp, mà đó chính là nơi ‘giữ lửa, giữ hồn’ cho một Hà Nội vẫn vẹn nguyên trong lòng người dù bao thế hệ có đi qua.
‘Linh hồn’ giữa lòng thủ đô - Ảnh: Andy Kennelly
Hồ Gươm hay còn gọi là hồ Hoàn Kiếm, được bao quanh bởi những con phố dài như Lê Thái Tổ, Hàng Khay, Đinh Tiên Hoàn, là chốn vui chơi tản mạn quen thuộc của người Hà thành. Xung quanh hồ là những bóng cây cổ thụ, nghiêng mình về dòng nước lặng, soi ‘mái tóc dài óng mượt’ yêu kiều. Giữa lòng hồ Gươm là tháp Rùa cổ kính nằm trên một hòn đảo nhỏ, trầm tĩnh cùng bức tranh thủy mặc hữu tình.
Bóng cây cổ thụ nghiêng nghiêng bên hồ Gươm - Ảnh: Phuong Ngo
Tháp rùa cổ kính - Ảnh: Jaromír Chalabala
Xung quanh hồ Gươm có rất nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng khác mà đã du lịch Hà Nội, nhất định không thể bỏ qua. Đó là đền Ngọc Sơn, tháp Bút, Đài Nghiêng, cầu Thê Húc, lầu Đắc Nguyệt, đình Trấn Ba - cụm di tích lịch sử và là cảnh quan đặc sắc, tiêu biểu cho Hà Nội phố. Tất cả đều trở thành linh hồn thủ đô, được người Hà Nội giữ gìn và bảo vệ như một phần cuộc sống của chính mình, không bao giờ lãng quên.
Cầu Thê Húc dẫn lối vào đền Ngọc Sơn - Ảnh: Nguyen Vinh
Không ở đâu khác mà chính là Hà Nội, trung tâm của đạo giáo nói chung và Phật giáo nói riêng có đến hàng trăm đền chùa được xây dựng từ nhiều thế kỷ trước, minh chứng cho sự phồn thịnh của Phật học thưở xưa. Nổi tiếng nhất, dĩ nhiên phải kể đến chùa Một Cột với kiến trúc độc đáo là toàn bộ ngôi chùa đều được ‘yên vị’ chỉ trên một chiếc cột duy nhất. Chùa có biểu tượng hoa sen đầy lãng mạn và thi vị. Mọi thứ dường như đều rất hòa hợp, tô điểm cho nét đẹp thẩm mỹ, kỹ thuật và tôn giáo một thời. Hiện nay, chùa nằm ở phố chùa Một Cột, quận Ba Đình - Hà Nội.
Chùa Một Cột với kiến trúc độc đáo - Ảnh: Khoi Tran Duc
Cùng phong cảnh thơ tình - Ảnh: Khoi Tran Duc
Bên cạnh chùa Một Cột, thì chùa Trấn Quốc được xây từ thế kỷ VI thời vua Lý Nam Đế cũng là danh thắng mang âm hưởng Phật giáo mà khách du lịch Hà Nội nên dành thời gian để khám phá trong hành trình của mình.
Một thoáng bình yên ở chùa Trấn Quốc - Ảnh: Vu Phuong
Nhà thờ chính tòa Thánh Giuse hay còn được biết với cái tên quen thuộc khác là nhà thờ Lớn Hà Nội nằm ở số 40 phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm, nơi sinh hoạt của giáo dân và địa điểm tham quan hấp dẫn dành cho khách du lịch Hà Nội. Bên ngoài, nhà thờ Lớn hiện rõ nét cổ kính rêu phong, như ‘người bạn già’ đã trải qua bao thăng trầm cùng thủ đô, nhưng bên trong lại là một thế giới khác, du khách sẽ choáng ngợp trước kiến trúc lộng lẫy, tinh tế theo lối Gothic trung cổ Âu Châu.
Vẻ đẹp Âu Châu giữa lòng Hà Nội - Ảnh: X5
Phía ngoài sân rất rộng để du khách thoải mái tham quan, chụp hình. Rất nhiều đôi tình nhân đã chọn nhà thờ Lớn để chụp ảnh cưới bởi vẻ đẹp huyền bí ấy. Nếu đã mỏi mệt, du khách có thể dừng chân bên hàng quán, thưởng thức ly trà chanh mát đá mát rượi và an nhiên ngắm nghía nhà thờ cùng dòng người Hà Nội trên phố.
Tựa hồ bức tranh cổ trầm mặc, bình yên - Ảnh: Quang Vu
Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Hà Nội
Du lịch Hà Nội, dĩ nhiên không thể không đến Văn miếu Quốc Tử Giám - nơi được mệnh danh là trường Đại học đầu tiên ở nước ta. Bao nhiêu bậc hiền tài, vĩ nhân của Việt Nam thời phong kiến độc lập đã được tôi luyện trong cái nôi Quốc Tử Giám. Quần thể Văn miếu bao gồm hồ Văn, khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám và vườn Giám. Không chỉ là biểu tượng trường tồn của tinh hoa văn hóa và học thức mà Văn miếu còn in đậm nét kiến trúc của cổ Việt Nam, đáng để bảo tồn và gìn giữ theo thời gian, như một nhân chứng cho thời kỳ phát triển của dân tộc.
Ghé thăm trường Đại học đầu tiên của nước nhà - Ảnh: Trịnh Ngọc Đại
Biểu tượng văn hóa trường tồn theo thời gian - Ảnh: Vinh Haifangshi
Nếu những giá trị lịch sử, văn hóa khiến trái tim con rồng cháu hạc dậy lên niềm tự hào, kiêu hãnh thì nét đẹp mộc mạc, chân phương, gần gũi ở phố cổ lại làm lòng người an nhiên vô cùng. Phố cổ Hà Nội đó, vẫn còn đây nhịp thở của thời gian, dù trải qua bao phong ba bão táp vẫn giữ lấy cho riêng mình sự bình yên vốn có, để bước chân người tìm về, được vỗ về, an ủi, yêu lắm một Hà Nội thân thuộc như thế.
Đây Hà Nội phố - Ảnh: Cuong Nguyen
Bình yên cùng nhịp thở thời gian - Ảnh: Phong Le
Phố cổ có đến 76 tuyến phố nằm trên địa phận 10 phường bao gồm Hàng Đào, Hàng Buồm, Hàng Bông, Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Mã, Hàng Gai, Lý Thái Tổ, Cửa Đông, Đồng Xuân. Một chút quyến rũ của bức tường đã cũ in cả rêu phong, ẩn hiện trong màu xanh cỏ cây hoa lá, mơ màng cùng những căn nhà ống mái ngói nhỏ xinh ở phố cổ, làm khách du lịch Hà Nội tự dưng yêu mê mẩn vẻ đẹp thanh tao và thuần khiết ấy.
Yêu sao một Hà Nội bình dị như thế - Ảnh: Thuy Nguyen
‘Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ,...’
-(Viếng Lăng Bác - Viễn Phương)
Có một mặt trời trong lăng rất đỏ - Ảnh: Tim Schoenmakers
Ở đâu trên khắp Việt Nam này, từ cụ già râu tóc bạc phơ đến em nhỏ thơ ngây mới lớn, hẳn đều ‘nằm lòng’ bài thơ và khúc ca về Bác bằng niềm tự hào thiêng liêng nhất. Nơi đó, Ba Đình lịch sử. Nơi đó, dáng người lặng yên nhưng có sức mạnh vô biên truyền nhuệ khí cho cả dân tộc. Nơi đó, ai cũng ước mong được ghé một lần, tận mắt chiêm ngưỡng, tận tâm cảm nhận. Lăng Chủ tịch mở cửa 5 ngày trong tuần, vào các buổi sáng thứ Ba, thứ Tư, thứ Năm, thứ Bảy và Chủ nhật. Đến viếng lăng Bác, mọi người cần ăn mặc lịch sự, chỉnh tề và đáp ứng các quy định nghiêm ngặt ở đây để không làm mất tôn nghiêm và bày tỏ sự thành kính với vị lãnh tụ của nước nhà.
Bồi hồi đứng trước nơi linh thiêng - Ảnh: Phuong Ngo
Nếu ví hồ Gươm có vẻ đẹp thanh nhã của người Hà Nội xưa thì hồ Tây là sức sống của tuổi trẻ với nhiệt huyết tràn trề. Là hồ có diện tích lớn nhất trong lòng Thủ đô lại được trồng rất nhiều cây xanh xung quanh, hồ Tây là nơi lý tưởng để tản mạn hóng gió, cảm nhận sự bình yên đang lặng lẽ trôi, không màng đến sự hối hả tất bật ngoài kia. Cảnh hoàng hôn ở hồ Tây thực sự rất đẹp. Hay đến mùa hè lại có sen nở ngan ngát hương. Đừng bỏ lỡ những khoảnh khắc ấy ở hồ Tây khi du lịch Hà Nội nhé!
Ráng chiều Hồ Tây - Ảnh: Binh Nguyen
Sen đã vào mùa - Ảnh: Khoi Tran Duc
Cạnh khu vực hồ Tây có rất nhiều làng nghề truyền thống như làng cổ Nghi Tàm với thú chơi cá cảnh và nghệ thuật bonsai, là đường hoa mỗi độ xuân về, làng Ngũ Xã đúc đồng, làng Yên Phụ làm nhang, đều nên dừng chân thưởng ngoạn một lần.
Nhớ dừng chân ở làng Ngũ Xã - Ảnh: Sưu tầm
Cầu Long Biên hay còn gọi là sông Cái hay cầu Bồ Đề, nối liền hai quận Long Biên và Hoàn Kiếm ở Hà Nội, đã chứng kiến bao nhiều bước ngoặc lịch sử của nước nhà. Để giờ đây, mỗi lần nhắc đến Long Biên, là người ta lại nhớ đến như một chứng chân lịch sử vĩ đại, và thầm cảm ơn, bởi chiếc cầu vẫn đứng vững theo thời gian và tự giữ gìn cho mình vẻ đẹp không đâu sánh được.
Cầu Long Biên - chứng nhân của lịch sử - Ảnh: APU STUDIO
Xem thêm: Các khách sạn tại Hà Nội
Vẫn gắn liền với nhịp sống của người thủ đô - Ảnh: Nguyen Viet Thanh
Từ cầu Long Biên, du khách có thể nhìn ngắm khu vực làng quê quanh sông Hồng, là bãi bồi trồng đầy ngô khoai, là cánh đồng lau lất phất nên thơ, là con thuyền thả trôi xuôi theo dòng nước, không tất bật, không bộn bề. Những thanh âm giản đơn của một Hà Nội yên bình cứ thế được vang lên, làm lòng người say đắm.
Dòng sông lặng, thuyền nhẹ trôi bên cánh đồng lau - Ảnh: Nam Tô Hoài
Bên cạnh các địa điểm tham quan hút khách du lịch ở khu vực trung tâm thì khám phá ngoại ô cũng là lựa chọn lý tưởng để hiểu thêm về những sắc màu Hà Nội. Là làng quê êm đềm với đường làng, mái đình, cây đa, rơm phủ. Là cuộc sống an nhàn, bình yên suốt bốn mùa. Là tình người ấm áp và thân tình làm ‘tan chảy’ bất cứ ai. Nào, cùng bon bon trên chuyến xe ngược về ngoại thành để khám phá những ‘bí mật’ dễ thương khác mà Hà Nội đang giấu nhé!
Cũng có một Hà Nội rất trong lành và dịu ngọt - Ảnh: Đào Đức
Bước vào làng cổ Đường Lâm ở Sơn Tây - Hà Nội, du khách như chơi vơi quay ngược thời gian trở về nhiều thế kỷ trước, bởi nét đẹp cổ kính không lẫn vào đâu được. Cây đa lặng yên nép bên cổng làng, con đường lát gạch đỏ đưa chân ai đi khắp lối, ngôi nhà đá tổ ong mái ngói đã bắt đầu có rêu, những vại tương ở góc sân vẫn còn đó tự bao đời. Mọi thứ như mảnh ghép để cùng vẽ lên một làng cổ Đường Lâm dân giã đầy thơ tình. Có lang thang cả ngày ở Đường Lâm, vẫn không sao thấy chán bởi khung cảnh này, bầu không khí này, sao dịu ngọt và trong lành quá đỗi.
Cuộc sống bình dị quen thuộc ở làng Đường Lâm - Ảnh: David Tran
Làng cổ dưới góc nhìn 360 độ - Ảnh: Quang Vu
Làng gốm Bát Tràng nổi tiếng kinh kì khi xưa nay ở tỉnh lộ 195 thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô chừng 10km về phía Đông Nam. Khách du lịch có thể thuê xe máy hoặc di chuyển bằng ô tô để về Bát Tràng thăm làng gốm và trải nghiệm văn hóa truyền thống.
Về ngoại ô thăm làng cổ Bát Tràng - Ảnh: hainguyentuan
Trải nghiệm thế giới của gốm - Ảnh: Trịnh Ngọc Đại
Đến làng gốm Bát Tràng, ngoài việc tham quan để chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật và cảm nhận vẻ đẹp tinh hoa trong từng sản phẩm, yêu thêm dáng hình lao động miệt mài của các nghệ nhân thì du khách còn có cơ hội tự trải nghiệm việc làm gốm, mang về cho mình món quà độc nhất khi du lịch Hà Nội.
Thêm yêu sự cần mẫn tỉ mỉ của người nghệ nhân gốm sứ - Ảnh: hainguyentuan
Nếu là người mê phim Việt, đã từng xem qua ‘Đất và người’, ‘Gió làng Kình’, ‘Ma làng’ hay ‘Lời nguyền huyết ngải’,... thì nhất định phải ghé Tây Mỗ - nơi mà bối cảnh trong các bộ phim kể trên đều được ghi hình tại đây. Hình ảnh cuộc sống làng quê Bắc Bộ xưa hiện lên rõ rệt ở Tây Mỗ, vừa gần gũi thân quen, lại mang một hương vị tươi mới làm người ta không thể không yêu.
Con đường làng quen thuộc - Ảnh: Phan Dương
Đến sân đình đều trở thành bối cảnh chính trong các bộ phim - Ảnh: Phan Dương
Xem thêm: Các tour du lịch Hà Nội giá rẻ
Ngoài ra, xung quanh Hà Nội còn có rất nhiều danh thắng khác để khách du lịch thỏa thuê ‘vẫy vùng’ trong chuyến hành trình của mình như Ba Vì huyền ảo, Tam Đảo mộng mơ, Tràng An - Bái Đính trữ tình,...
Hà Nội ấy, có một niềm tin yêu vô bờ không sao kể xiết, tựa như một góc đẹp tươi của tâm hồn mà mỗi khi nhớ về, lại thấy bình yên lạ. Hà Nội ấy, mười hai tháng là mười hai cung bậc xúc cảm, nhẹ nhàng buông lên phố thị, để trái tim kia xốn xang lỡ nhịp. Hà Nội ấy, nhất định phải dành thời gian để đi thật nhiều, khám phá thật nhiều, chiêm nghiệm thật nhiều, rồi lại yêu thêm thật nhiều.
Scodaisym - Mytour.vn
Lưu ý: Nội dung bài viết thuộc bản quyền của Mytour.vn (Không bao gồm hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại Mytour.vn.